Là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), Hòn Củ Tron còn được biết đến với cái tên là hòn Lớn Nam Du. Trước đây, đảo còn rất hoang sơ, vắng người, nhưng ngày nay hòn Củ Tron đã phát triển sầm uất, nhộn nhịp ghe thuyền và ngư dân cư trú. Đặc biệt Củ Tron còn gắn với những huyền tích xưa ly kỳ, hấp dẫn bên cạnh những nét đẹp của biển rộng, núi cao nơi vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc. Hòn Củ Tron: Những câu chuyện chưa kể

Về nguồn gốc của cái tên hòn Củ Tron, theo lồi kể của người dân bản địa và nhiều sử liệu ghi chép, phần lớn đều xoay quanh cuộc tháo chạy của chúa Nguyễn Ánh- sau là vua Gia Long. Vào cuối thế kỷ XVII, khi bị quân Tây Sơn đột ngột công phá thành Gia Định, chúa Nguyễn Ánh chạy, không kịp mang theo lương thực nên khi đến một hòn đảo, binh lính nhanh chóng lâm cảnh đói khát.

Ông ra lệnh cho quân sĩ lên núi tìm cây trái có thể ăn được để cứu đói, chờ viện trợ từ đất liền. Quân lính tìm được loại dây leo có củ nằm sát đất, củ nhỏ nhất cũng bằng nắm tay, củ to bằng cái dĩa lớn. Họ đem nướng hay luộc thử thì ăn thấy ngon, không độc tố. Vậy là loài củ rừng núi ấy đã cứu chúa Nguyễn và tùy tùng. Họ kháo nhau đi tìm mà chẳng biết tên gọi, chỉ biết chỉ dẫn là “củ tròn tròn”, sau gọi là củ tròn. Sau khi lên ngôi, nhớ đến loài cây đã cứu sống mình lúc khó khăn, Nguyễn Ánh ra chiếu dụ đặt tên cho đảo là “Củ Tròn”, lâu ngày gọi thành Củ Tron.

Hòn Củ Tron: Những câu chuyện chưa kể

Đến hòn Củ Tron, bạn chắc hẳn sẽ ấn tượng với những bãi Ngự, bãi Chệt, bãi Cây Mến, bãi Giếng… với khung cảnh tuyệt vời thơ mộng. Nhưng bên cạnh vẻ đẹp ấy, mỗi cái tên đặt cho mỗi hòn đảo xinh đẹp này đều được gắn với những huyền tích, làm nên bề dày lịch sử cho nơi đây.

Nhắc đến bãi Chệt, nơi có bến tàu đón du khách đến thăm đảo, tương truyền rằng, ngày xưa người Hoa làm nghề thương thuyền thường đi lại vùng biển này để kinh doanh, mua bán. Dân ta thường gọi là người Chệt, Khách Trú hay Ba Tàu… Khi đó nạn cướp biển còn hoành hành, một hôm chúng giết sạch một nhóm thương buôn người Hoa để cướp tài sản. Xác người trôi vào bãi ở hòn Củ Tron. Người trong làng gọi bãi này là bãi Chệt.

Tọa lạc ở phía Đông Bắc của hòn Củ Tron là bãi Cù Dậy, còn gọi là Mũi Đá Lở. Xưa kia, nơi đây từng xảy ra một trận mưa giông đến 3 ngày 3 đêm vẫn chưa dứt. Đêm cuối cùng, trời đất cuồng phong, sấm rền đất dậy. Rồi từ một mũi đất, một cột khói từ lòng đất bay thẳng lên không trung, mình uốn lượn như rồng bay. Sau đó, liền trời quang mây tạnh. Sáng hôm sau, nơi đây có mảng đá lở lớn nên người dân gọi là Mũi Đá Lở. Bên cạnh đó, cũng có người lý giải cột khói đen ấy chính là con Cù đắc đạo, hóa rồng bay về thiên nhan, người dân tin rằng sẽ được nhiều may mắn nên gọi đó là bãi Cù Dậy.

Hòn Củ Tron: Những câu chuyện chưa kể

Lại nhắc đến chuyện chúa Nguyễn Ánh lánh nạn ở hòn Củ Tron, cũng có những câu chuyện được truyền tụng thế này. Trong những ngày sống trên đảo, mỗi chiều chúa Nguyễn thường ra ngồi ngắm cảnh hoàng hôn trên biển tại Bãi Ngự.

Còn với giếng Tiên hay giếng Gia Long, đó là giếng nước nằm sát bãi biển nhưng cho nước ngọt quanh năm. Chuyện kể rằng trong lúc chúa Nguyễn Ánh hoang mang vì không có nước ngọt cho quân sĩ sử dụng, ông đã dậm chân kêu trời trách đất. Kỳ lạ thay, nơi ông vừa dậm chân bỗng dâng trào một vòi nước từ lòng đất, lấy tay bụm một ngụm uống thử thì thấy ngọt lành, ông liền cho quân lính đào thành giếng để lấy nước dùng. Giếng này được dân địa phương gọi là giếng Tiên hay giếng Gia Long.

Ngoài ra còn có những địa điểm được lý giải thật giản đơn, như ở Bãi Cây Mến, còn được gọi là Bãi Ông Già. Chị Nguyễn Thị Cẩm Hưởng, chủ bãi tắm cho biết “Ông Già” chính là cha của chị. Do ông là người khai hoang nơi đây, mọi người thấy một ông già cần mẫn khai phá, trồng dừa… nên gọi vậy.

Ghé thăm hòn Củ Tron, ngắm đồi núi trùng điệp, cây xanh tươi tốt, chim rừng líu lo… ta cứ ngỡ đang lạc vào một thánh địa thần tiên nào đó. Hòn Củ Tron đầy ắp màu sắc: màu xanh biển của trời hài hòa; màu tím của những đồi hoa mua biêng biếc; màu trắng của những bông lau lướt phướt lối đi... Hiện nay, du lịch tại hòn Củ Tron ngày càng phát triển, ngày nào cũng có tàu cao tốc ra từ bến Rạch Giá ra hòn Lớn Nam Du, khách vào ra tấp nấp. Du khách tìm về Củ Tron để nằm nghe biển hát, cảm nhận cái se lạnh của gió biển, thêm yêu vị mặn mòi của biển và để được một lần nghe kể về những huyền tích Củ Tron. 

Tin tức tiêu biểu
  • Các địa điểm du lịch chưa đi chưa đến Nam Du
    Các địa điểm du lịch chưa đi chưa đến Nam Du
    Đến Nam Du bạn nhất định phải ghé thăm những địa điểm tuyệt đẹp này nhé!
  • Gợi ý lịch trình đi phượt Nam Du
    Gợi ý lịch trình đi phượt Nam Du
    Bạn là một Biker ưu thích đi phượt. Nhưng lại còn băn khoăn về nhiều thứ và chưa có kinh nghiệm du lịch Nam Du. Bài viết này sẽ giúp bạn lên lịch trình để có thể chuyến đi phượt khám phá đảo Nam Du một cách thoải mái nhất nhé. Nếu bạn không có nhiều thời gian thì có thể chủ động rút ngắn hoặc kéo dài lịch trình này cho phù hợp với riêng mình.
  • Làng chài Hòn Mấu - Điểm dừng chân lý tưởng của quần đảo Nam Du
    Làng chài Hòn Mấu - Điểm dừng chân lý tưởng của quần đảo Nam Du
    Đảo Hòn Mấu là là một hòn đảo nhỏ của quần đảo Nam Du. Tại đây bạn có thể tìm hiểu công việc chài lưới cũng như thưởng thức những món hải sản tươi ngon.
  • Giới Thiệu Du Lịch Đảo Nam Du
    Giới Thiệu Du Lịch Đảo Nam Du
    Tọa lạc phía đông nam đảo Phú Quốc, quần đảo Nam Du từng được mệnh danh là đảo ngọc thứ hai của tỉnh Kiên Giang. Quần đảo này với diện tích lớn hơn 1 ngàn ha bao gồm 21 hòn đảo lớn nhỏ và trong đó chỉ có khoảng 11 hòn đảo là có dân sinh sống. Nam Du được biết tới là quần đảo còn giữ được gần như những vẻ đẹp hoang sơ, trữ tình từ trên bờ đến dưới vùng đáy biển. Hãy cùng với VietSense Travel khám phá những nét chính của hòn đảo du lịch đặc biệt này nhé.
Copyright dulichdaonamdu.net
Top